Tổ chức sự kiện – dễ làm nhưng khó giỏi
Tổ chức sự kiện là một nghề không còn xa lạ với nhiều người, bởi chúng ta đang nhìn thấy sự tồn tại của nó hàng ngày qua rất nhiều những sự kiện lớn nhỏ. Đội ngũ nhân sự trong nghề đang ngày càng đông đảo và lớn mạnh, bất cứ ai cũng có thể trở thành một “dân event” nếu có được sự nhanh nhẹn, tháo vát và khả năng tổ chức tốt.
Bên cạnh đó, việc đào tạo ở nước ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, do vậy công việc này cũng không đòi hỏi quá nhiều về bằng cấp liên quan hay kiến thức chuyên sâu cho những người mới. Để trở thành nhân viên tổ chức sự kiện trong các công ty truyền thông không phải việc quá khó. Hơn nữa, một số người chỉ cần làm những công việc có liên quan một chút đến lĩnh vực này cũng có thể tự lên kế hoạch tổ chức những sự kiện với quy mô vừa và nhỏ.
Thế nhưng để được đánh giá là một người “giỏi” trong nghề là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Vậy thế nào là giỏi?
Thật ra thì câu hỏi này khá rộng. Vì trong lĩnh vực này nó bao gồm nhiều loại hình sự kiện khác nhau. Không thể đưa 1 người chuyên làm khai trương động thổ để làm 1 sự kiện đại nhạc hội, hay là ngay cả những người chuyên làm những chương trình lớn có thể vẫn có chút bối rối với 1 cái đám cưới nhỏ.
Nhưng giỏi ở đây là cả 1 quá trình đúc kết kinh nghiệm, với những chương trình khác nhau ngay lập tức họ sẽ biết được sự kiện này bao gồm những gì và mình phải làm những gì, khi cần thì hỏi ai, ở đâu. Nội dung chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, các bộ phận được sắp xếp không bị lộn xộn … Họ nhanh chóng nhận ra năng lực sản xuất, cung cấp của các bên thứ 3 để cân nhắc cho sự kiện, tránh những tình huống không mong muốn có thể xảy ra.
Quan trọng nhất là họ có thể lường được những phát sinh sẽ xảy đến trong chương trình để có kế hoạch giải quyết mà ít gây ảnh hưởng, không làm gián đoạn chương trình.
Phải nói rằng tổ chức sự kiện là một công việc dễ làm. Thế nhưng để theo nó thì lại rất khó, bởi vì nó cần quá trình rèn luyện thực sự, va vấp thực tế để trải nghiệm những khó khăn mà nó đem lại. Để xem cái tháo vát, nhanh nhẹn của bạn có phải dành cho công việc này không. Đây là quá trình sàng lọc những nhân tố yêu và đam mê nghề thực sự. Bởi vì khi đã thể hiện được lòng tin và yêu nghề thì những kỹ năng đó sẽ là điều quý giá nhận được cho những ai đã trải qua quá trình bể dâu.
Với quan điểm của tôi trong lĩnh vực này, khi muốn làm được kỹ sư giỏi thì bạn cần trải qua quá trình làm phụ, làm thợ, thợ cả rồi mới lên kỹ sư. Lúc ấy ngoài tầm nhìn bao quát bạn có thể nhìn sâu tới những vị trí nhỏ trong công việc.
Từ 1 công việc rất nhỏ mà bạn có thể học được rất nhiều thứ. Tôi cũng đã phải kéo dây, lắp từng con đèn, chạy mic cho âm thanh ánh sáng. Những công việc tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng nó giúp tôi hiểu thêm về quy trình, thời gian lắp đặt thiết bị như thế nào. Cái nào làm trước cái nào làm sau, làm thế nào cho gọn, đẹp, có sự cố thì nó sẽ xảy ra ở đâu. Âm thanh ánh sáng như thế nào là đủ so với quy mô chương trình. Hay những thứ liên quan khác như nguồn điện tại địa điểm tổ chức có đáp ứng được hệ thống sử dụng trong sự kiện hay không, kịch bản cho đối tác cung cấp âm thanh ánh sáng như thế nào …
Nếu bạn chỉ là tay đá ngang thì bạn không biết chính xác mình phải làm gì, sẽ cần gì, từ đâu, và những tình huống nào có thể xảy ra trong sự kiện của mình. Để lớn lên được trong nghề bạn cũng là cả quá trình gian nan, nó đối lập hoàn toàn với những cái dễ mà bạn đã từng làm lúc trước.
Vậy trước tiên, muốn giỏi thì phải “mê” nó đã. Tuy nhiên cũng có đôi khi nó đối xử cũng hợi tệ với bạn nhưng một khi bạn đã chứng minh cho nó thấy bạn “mê” nó thì nó sẽ đền bù cho bạn xứng đáng. Sau đó cùng với những kỹ năng khác mà bạn học được trong quá trình làm nghề và tố chất bản thân phù hợp thì chắc chắn bạn sẽ thành công và thực hiện được ước mơ của mình.
Nghề này dễ làm nhưng giỏi thì khó lắm!